Từ năm 2004, Bộ KH&CN đã ban hành và áp dụng tại Việt Nam một số quy định về cửa, trong đó có bộ tiêu chuẩn đối với cửa uPVC về quy định kỹ thuật và phương pháp thử, tuy nhiên lại không quy định cụ thể về chiều mở ra, chỉ quy định về tiêu chuẩn chịu lực khi đóng cửa.
Tại các tòa nhà cao tầng nếu thiết kế cửa mở quay ra ngoài sẽ không đảm bảo an toàn cho công trình. Ở độ cao như vậy đòi hỏi cửa sổ cho nhà cao tầng phải có yêu cầu đặc biệt hơn, thiết kế cửa phải chịu được sức gió mạnh. Ngoài ra, ở các tòa nhà cao tầng luôn phải chịu tiếng ồn do tiếng gió rít và hiện tượng mưa tạt dễ bị thấm nước mưa, vì vậy các loại cửa này đòi hỏi phải có độ kín khít cao để chống hiện tượng rò rỉ nước mưa và tăng khả năng cách âm, cách nhiệt.
Trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu, người ta không dùng cửa sổ mở quay ra ngoài cho nhà cao tầng, mà chủ yếu sử dụng cửa sổ mở quay lật vào trong và một số nước rất ít sử dụng cửa sổ mở hất ra ngoài. Còn tại Việt Nam, do chưa có tiêu chuẩn về chiều mở cửa sổ, mặc dù các nhà thiết kế đã ý thức được việc hạn chế sử dụng kiểu mở quay và mở hất ra ngoài nhưng một số nhà cao tầng vẫn sử dụng các kiểu mở trên.
Những kiểu mở này rất nguy hiểm vì khi cửa mở quay ra ngoài ở góc 180 độ , nếu gặp gió to hoặc mưa bão lớn cửa dễ bị va đập mạnh với tường; có những loại cửa có thanh hạn vị góc mở và chỉ mở 90 độ như cửa mở quay ra ngoài. Kiểu mở này hạn chế được sự va đập, tuy nhiên nó như một cánh buồm nếu gặp gió lốc sẽ rất nguy hiểm. Còn cửa sổ mở hất bị hạn chế về chế độ mở, chỉ mở được góc 45 độ và khi có gió lốc cũng không đảm bảo an toàn. Mặc dù cửa sổ sử dụng các loại kính an toàn để tránh rơi mảnh vỡ nhưng trong trường hợp cửa mở gặp gió to hay bão lốc có thể làm bay cả cánh cửa.
Để đảm bảo an toàn, các tòa nhà cao tầng hiện nay thường sử dụng cửa sổ mở trượt, cửa sổ mở quay vào trong và cửa sổ mở quay lật vào trong.
Cửa sổ mở trượt hay được dùng vì có giá thành rẻ bởi hệ phụ kiện đơn giản. Tuy nhiên, do có cấu tạo hai cánh trượt song song với nhau cho nên đã tạo ra khe hở ở giữa hai cánh, mặc dù các nhà sản xuất đã dùng chổi quét để chặn khe hở này nhưng vẫn không đảm bảo độ kín khít cao. Hơn nữa cửa mở trượt chỉ mở được ½ diện tích cửa.
Với cửa sổ mở quay vào trong thông thường có cấu tạo đơn giản thì không có khả năng cách âm, cách nhiệt, chỉ mở được một chiều và có cảm giác vướng đồ đạc. Còn cửa sổ mở quay vào trong có cấu tạo hiện đại với hệ phụ kiện và chốt đa điểm đảm bảo độ kín khít nên khả năng cách âm, cách nhiệt cao, tuy nhiên cửa cũng bị hạn chế về chiều mở và không định vị được cánh cửa tại một điểm.
Còn cửa sổ mở quay lật vào trong có tính ưu việt hơn so với các loại cửa đã nói ở trên nhờ có cấu tạo với chốt đa điểm và hệ gioăng kép. Khi cửa đóng lại, hệ thống chốt đa điểm sẽ chốt lại ở tất cả các điểm, đồng thời ép chặt khuôn cửa và khung cánh với nhau tạo ra độ kín khít cao. Vì cửa không quay ra bên ngoài nên đảm bảo được yếu tố an toàn cho nhà cao tầng, ngay cả khi cửa mở gặp mưa bão mà chủ nhà không kịp đóng lại cửa.
Loại cửa này có thể mở theo 3 chế độ khác nhau: mở 180 độ hoặc 90 độ để thông phòng, mở thoáng khí 15 độ và mở thông hơi 1 – 2 độ. Cả 3 chế độ mở này đều có độ an toàn sử dụng cao, hạn chế tối đa sự tác động mạnh của sức gió. Ngoài ra, chế độ mở lật vào trong đảm bảo sự thông thoáng cho căn phòng nhưng vẫn giữ được vẻ kín đáo, đồng thời không ảnh hưởng đến việc bài trí các đồ đạc gần cửa như rèm cửa, đèn bàn… Đây là loại cửa hiện đại được sử dụng phổ biến trên thế giới và tại các quốc gia châu Âu.
Các loại cửa sổ mở trượt hay mở quay lật này có thể được làm từ nhựa uPVC hoặc nhôm. Sản phẩm cửa nhựa uPVC thường có giá thành phải chăng hơn so với cửa nhôm. Cửa nhôm đòi hỏi phải có cầu cách nhiệt để giảm sự truyền nhiệt, vì vật liệu nhôm đắt hơn cho nên giá của mỗi bộ cửa nhôm cao hơn cửa uPVC. Do vậy, tùy vào ngân sách đầu tư cho tòa nhà, chủ đầu tư có thể lựa chọn cửa sổ làm bằng cửa nhựa uPVC hay cửa nhôm cho phù hợp.
Chủ đề nhiều người quan tâm:
* Mẫu cửa nhôm kính đẹp
* Cách lắp đặt cửa nhôm việt pháp
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét